Talk:Vi:Highways
Chép lại một số văn bản pháp luật quan trọng
Luật giao thông đường bộ [1]
QUỐC HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Luật số: 23/2008/QH12 Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008
LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật giao thông đường bộ.
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- 1. Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
- ...
- 5. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
- 6. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.
- 7. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.
- ...
- 10. Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động.
- 11. Nơi đường giao nhau cùng mức (sau đây gọi là nơi đường giao nhau) là nơi hai hay nhiều đường bộ gặp nhau trên cùng một mặt phẳng, gồm cả mặt bằng hình thành vị trí giao nhau đó.
- 12. Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
- 13. Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.
- 14. Đường nhánh là đường nối vào đường chính.
- 15. Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.
- 16. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính.
...
CHƯƠNG III: KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 39. Phân loại đường bộ
1. Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, quy định như sau:
- Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực;
- Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;
- Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;
- Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị;
- Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Thẩm quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ quy định như sau:
- Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;
- Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị);
- Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý;
- Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với đường chuyên dùng đấu nối vào đường xã.
...
CHƯƠNG VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 88. Hiệu lực thi hành
- Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
- Luật này thay thế Luật giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001.
Điều 89. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
_____________
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(đã ký)
Nguyễn Phú Trọng
Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng [2]
CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 91/2005/NĐ-CP Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2005
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng".
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
QUY CHẾ
ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ)
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại các đô thị ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.
Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Đại lộ là đường phố có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, thẩm mỹ và cảnh quan đô thị.
- Đường là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, liên tỉnh.
- Phố là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị, hai bên phố thường có các công trình kế tiếp nhau như nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu.
- Ngõ (kiệt) là lối đi lại nhỏ từ đường, phố vào các cụm dân cư đô thị.
- Ngách (hẻm) là lối đi lại hẹp từ ngõ (kiệt) vào sâu trong các cụm dân cư đô thị.
- Công trình công cộng trong Quy chế này bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, công trình văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
- Đô thị bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Đô thị được phân thành 6 loại, gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V.
...
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Phan Văn Khải
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ [3]
CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 11/2010/NĐ-CP Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2010
NGHỊ ĐỊNH Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, NGHỊ ĐỊNH:
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm: đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; quy hoạch kết cấu hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật; thẩm định an toàn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương II: ĐẶT TÊN HOẶC SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ
Điều 3. Nguyên tắc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ
1. Mỗi tuyến đường bộ được đặt tên hoặc số hiệu.
2. Các tuyến đường bộ xây dựng mới được đặt tên hoặc số hiệu theo quy định của Nghị định này; việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và công tác quản lý đường bộ.
3. Điểm đầu, điểm cuối của quốc lộ, đường cao tốc được đặt theo hướng Bắc - Nam hoặc Đông - Tây hoặc từ Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm đầu, điểm cuối của đường tỉnh, đường huyện được xác định theo hướng như quy định đối với quốc lộ hoặc từ trung tâm hành chính tỉnh đến thị xã, thị trấn hoặc từ quốc lộ đến trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm hành chính huyện, thị xã, thị trấn.
4. Các đường đã được đặt tên hoặc số hiệu đường bộ và xác định điểm đầu, điểm cuối trước khi Nghị định này có hiệu lực thì giữ nguyên như cũ.
Điều 4. Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ
1. Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ ngoài đô thị
a) Tên đường bộ bao gồm chữ “Đường” kèm theo tên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Giao thông đường bộ;
b) Số hiệu đường bộ gồm chữ viết tắt hệ thống đường bộ và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm;
Chữ viết tắt của các hệ thống đường bộ như sau: quốc lộ (QL), đường cao tốc (CT), đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH).
Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể các số tự nhiên cho từng địa phương để đặt số hiệu cho hệ thống đường tỉnh.
Trường hợp đặt một số hiệu cho nhiều đường cao tốc, nhiều quốc lộ hoặc nhiều đường tỉnh, đường huyện, đường trong cùng một địa phương thì kèm thêm một chữ cái lần lượt từ B đến Z, trừ đường bộ đầu tiên đặt số hiệu đó.
c) Trường hợp tách tỉnh, đường tỉnh đã có đi qua địa phận hai tỉnh mới hoặc trường hợp sát nhập tỉnh mà đường tỉnh đã có đi qua một tỉnh mới thì giữ nguyên tên hoặc số hiệu, điểm đầu, điểm cuối;
d) Đoạn tuyến có nhiều đường bộ đi trùng nhau thì việc đặt tên hoặc số hiệu như sau:
- Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc một hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu theo đường bộ có cấp kỹ thuật cao hơn;
- Đoạn đường bộ trùng nhau thuộc nhiều hệ thống đường bộ thì đặt tên hoặc số hiệu của đường bộ thuộc hệ thống đường bộ có cấp quản lý cao hơn.
đ) Tên, số hiệu đường bộ thuộc mạng lưới đường theo Điều ước quốc tế thì sử dụng đồng thời tên, số hiệu trong nước và tên, số hiệu theo Điều ước quốc tế liên quan;
e) Đối với đường xã chỉ đặt tên gồm chữ “Đường” kèm theo tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
2. Đặt tên hoặc số hiệu đường đô thị
a) Số hiệu đường đô thị gồm chữ viết tắt hệ thống đường đô thị (ĐĐT) và số tự nhiên cách nhau bằng dấu chấm;
b) Đặt tên đường đô thị thực hiện theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
3. Trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu quốc lộ.
4. Thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường bộ
a) Bộ Giao thông vận tải đặt tên, số hiệu đường thuộc hệ thống quốc lộ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt số hiệu đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh; đặt tên hoặc số hiệu đường thuộc hệ thống đường huyện;
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đặt tên đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt tên, số hiệu đường bộ theo thẩm quyền có trách nhiệm công bố tên, số hiệu đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
...
Chương VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 46. Hiệu lực thi hành và hướng dẫn thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2010 và thay thế Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành các Điều 4, 11, 27, 28, 29, 30 và hướng dẫn các nội dung cần thiết khác của Nghị định.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
Quyết định số 36/2005/QĐ-BGTVT về việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ [4] [5]
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 36/2005/QĐ-BGTVT Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2005
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC ĐẶT TÊN HOẶC SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc chung
1. Mỗi tuyến đường bộ thuộc mạng lưới đường bộ hiện có hoặc theo quy hoạch đều phải được đặt tên hoặc số hiệu theo quy định.
2. Các tuyến đường bộ xây dựng mới phải được đặt tên hoặc số hiệu theo quy định tại Quyết định này ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
3. Các tuyến đường thuộc hệ thống quốc lộ, đường đô thị, đường chuyên dùng đã đặt tên hoặc số hiệu được giữ nguyên; trong trường hợp cần thiết, việc đặt lại tên hoặc số hiệu phải trên nguyên tắc không xáo trộn gây khó khăn cho sự nhận biết của người dân và công tác quản lý cầu đường.
4. Các tuyến đường thuộc hệ thống đường tỉnh đã đặt số hiệu hoặc đường huyện, đường xã đã đặt tên theo quy định của Bộ Giao thông vận tải thì được giữ nguyên; các tuyến đường tỉnh đặt tên hoặc số hiệu chưa theo quy định thì phải đặt lại tên hoặc số hiệu theo đúng quy định tại Quyết định này.
5. Trường hợp đường đô thị trùng với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên hoặc số hiệu của quốc lộ.
6. Đối với đường đi trùng nhau ngoài quy định tại khoản 5 Điều này và khoản 4 Điều 2 Quyết định này thì việc đặt tên hoặc số hiệu theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu thuộc cùng một hệ thống đường thì sử dụng tên hoặc số hiệu của đường có cấp kỹ thuật cao hơn;
b) Nếu thuộc nhiều hệ thống đường khác nhau thì sử dụng tên hoặc số hiệu của đường thuộc hệ thống đường có cấp quản lý cao hơn.
Điều 2. Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ
1. Đối với hệ thống quốc lộ:
a) Khi đặt tên gồm chữ “Đường” kèm theo tên danh nhân, người có công hoặc tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
b) Khi đặt số hiệu gồm chữ viết tắt hệ thống quốc lộ (QL), dấu chấm (.), số tự nhiên; trường hợp đặt số hiệu nhiều quốc lộ cùng một số tự nhiên thì đặt kèm thêm một chữ cái, lần lượt từ B đến Z, trừ quốc lộ đầu tiên.
2. Đối với các hệ thống đường địa phương:
a) Khi đặt tên gồm chữ “Đường” kèm theo tên danh nhân, người có công hoặc di tích lịch sử, sự kiện lịch sử-văn hóa, tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
b) Khi đặt số hiệu đường tỉnh gồm chữ viết tắt hệ thống đường tỉnh (ĐT), dấu chấm (.), số tự nhiên gồm 3 chữ số quy định tại Quyết định này (Phụ lục); trường hợp đường tỉnh hết số hiệu quy định thì sử dụng số hiệu đường tỉnh theo quy định kèm thêm một chữ cái, lần lượt từ B đến Z để đặt số hiệu.
c) Số hiệu đường tỉnh qua nhiều tỉnh thì đặt theo số hiệu đường quy định cho tỉnh có điểm đầu. Cách xác định điểm đầu, điểm cuối theo hướng Bắc - Nam hoặc Đông - Tây hoặc từ trung tâm hành chính tỉnh đến thị xã, thị trấn hoặc từ quốc lộ đến trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm hành chính huyện, thị xã, thị trấn.
d) Trường hợp tách tỉnh mà đường tỉnh đã có đi qua địa phận hai tỉnh mới hoặc trường hợp nhập tỉnh mà đường tỉnh đã có đi trong địa phận tỉnh mới thì tên hoặc số hiệu đường, điểm đầu, điểm cuối của đường tỉnh vẫn được giữ nguyên như trước khi tách tỉnh, nhập tỉnh. đ) Khi đặt số hiệu đường đô thị, đường huyện thì cách đặt tương tự như quy định việc đặt số hiệu cho đường tỉnh; riêng số tự nhiên gồm hai chữ số từ 01 đến 99; trường hợp đường đô thị, đường huyện hết số hiệu quy định thì sử dụng số hiệu đường đô thị, đường huyện theo quy định kèm thêm một chữ cái, lần lượt từ B đến Z để đặt số hiệu và chữ viết tắt của hệ thống đường được quy định như sau:
- Chữ viết tắt hệ thống đường đô thị là ĐĐT;
- Chữ viết tắt hệ thống đường huyện là ĐH.
e) Khi đặt tên đường xã gồm chữ “Đường” kèm theo tên địa danh hoặc tên theo tập quán; không đặt tên đường xã theo số hiệu.
3. Đối với đường cao tốc:
a) Khi đặt tên gồm chữ “Đường”, chữ viết tắt của cao tốc là CT và kèm theo tên danh nhân, người có công hoặc di tích lịch sử, sự kiện lịch sử-văn hóa, tên địa danh;
b) Khi đặt số hiệu gồm chữ viết tắt của cao tốc là CT, dấu chấm (.), số tự nhiên gồm hai chữ số từ 01 đến 99; trường hợp đặt số hiệu nhiều đường cao tốc cùng một số tự nhiên thì đặt kèm thêm một chữ cái, lần lượt từ B đến Z, trừ đường cao tốc đầu tiên.
4. Đối với đường bộ của mạng lưới đường bộ Việt Nam tham gia vào mạng lưới đường bộ ASEAN hoặc đường bộ Xuyên á hoặc mạng đường bộ quốc tế khác thì phải sử dụng cùng lúc cả tên hoặc số hiệu theo quy định tại Quyết định này và tên hoặc số hiệu đường bộ ASEAN hoặc đường bộ Xuyên á hoặc mạng đường bộ quốc tế khác theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan.
5. Đối với đường chuyên dùng: khi đặt số hiệu đường cho đường chuyên dùng thì cách đặt tương tự như quy định đặt số hiệu cho đường tỉnh; riêng số tự nhiên gồm hai chữ số từ 01 đến 99; chữ viết tắt của hệ thống đường chuyên dùng là ĐCD.
Điều 3. Thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu
1. Bộ Giao thông vận tải đặt tên, số hiệu đường thuộc hệ thống quốc lộ.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đặt tên đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đặt số hiệu đường thuộc hệ thống đường đô thị, đường tỉnh, đặt tên hoặc số hiệu đường thuộc hệ thống đường huyện.
3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện đặt tên đường thuộc hệ thống đường xã. 4. Tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng đặt số hiệu đường thuộc hệ thống đường chuyên dùng theo nội dung trong văn bản đã thỏa thuận với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi lập dự án.
5. Cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đặt tên hoặc số hiệu đường bộ theo thẩm quyền có trách nhiệm công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 136/QLTC-GT ngày 18 tháng 02 năm 1985 của Bộ Giao thông vận tải về việc quy định đặt số hiệu đường bộ.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh văn phòng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
BỘ TRƯỞNG
Đào Đình Bình
(Đã ký)
Phụ lục
(Kèm theo Quyết định số 36/2005/QĐ-BGTVTngày 21 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1. Mã số quy định đặt số hiệu đường tỉnh theo đơn vị hành chính:
TT | Tên đơn vị hành chính | Số hiệu |
---|---|---|
1 | Tỉnh Sơn La | 101-125 |
2 | Tỉnh Lai Châu | 126-138 |
3 | Tỉnh Điện Biên | 139-150 |
4 | Tỉnh Lào Cai | 151-162 |
5 | Tỉnh Yên Bái | 163-175 |
6 | Tỉnh Hà Giang | 176-184 |
7 | Tỉnh Tuyên Quang | 185-199 |
8 | Tỉnh Cao Bằng | 201-225 |
9 | Tỉnh Lạng Sơn | 226-250 |
10 | Tỉnh Bắc Kạn | 251-260 |
11 | Tỉnh Thái Nguyên | 261-275 |
12 | Tỉnh Bắc Ninh | 276-287 |
13 | Tỉnh Bắc Giang | 288-299 |
14 | Tỉnh Vĩnh Phúc | 301-312 |
15 | Tỉnh Phú Thọ | 313-325 |
16 | Tỉnh Quảng Ninh | 326-350 |
17 | Thành phố Hải Phòng | 351-375 |
18 | Tỉnh Hưng Yên | 376-387 |
19 | Tỉnh Hải Dương | 388-399 |
20 | Thành phố Hà Nội | 401-410 |
21 | Tỉnh Hà Tây | 411-430 |
22 | Tỉnh Hoà Bình | 431-450 |
23 | Tỉnh Thái Bình | 451-475 |
24 | Tỉnh Ninh Bình | 476-483 |
25 | Tỉnh Nam Định | 484-490 |
26 | Tỉnh Hà Nam | 491-499 |
27 | Tỉnh Thanh Hoá | 501-530 |
28 | Tỉnh Nghệ An | 531-545 |
29 | Tỉnh Hà Tĩnh | 546-557 |
30 | Tỉnh Quảng Bình | 558-570 |
31 | Tỉnh Quảng Trị | 571-588 |
32 | Tỉnh Thừa Thiên-Huế | 589-599 |
33 | Thành phố Đà Nẵng | 601-605 |
34 | Tỉnh Quảng Nam | 606-620 |
35 | Tỉnh Quảng Ngãi | 621-628 |
36 | Tỉnh Bình Định | 629-640 |
37 | Tỉnh Phú Yên | 641-650 |
38 | Tỉnh Khánh Hoà | 651-660 |
39 | Tỉnh Gia Lai | 661-670 |
40 | Tỉnh Kon Tum | 671-680 |
41 | Tỉnh Đăk Nông | 681-686 |
42 | Tỉnh Đăk Lăk | 687-699 |
43 | Tỉnh Ninh Thuận | 701-710 |
44 | Tỉnh Bình Thuận | 711-720 |
45 | Tỉnh Lâm Đồng | 721-740 |
46 | Tỉnh Bình Dương | 741-750 |
47 | Tỉnh Bình Phước | 751-760 |
48 | Tỉnh Đồng Nai | 761-780 |
49 | Tỉnh Tây Ninh | 781-799 |
50 | TP. Hồ Chí Minh | 801-815 |
51 | Tỉnh Long An | 816-840 |
52 | Tỉnh Đồng Tháp | 841-860 |
53 | Tỉnh Tiền Giang | 861-880 |
54 | Tỉnh Bến Tre | 881-899 |
55 | Tỉnh Vĩnh Long | 901-910 |
56 | Tỉnh Trà Vinh | 911-915 |
57 | Thành phố Cần Thơ | 916-924 |
58 | Tỉnh Hậu Giang | 925-931 |
59 | Tỉnh Sóc Trăng | 932-940 |
60 | Tỉnh An Giang | 941-960 |
61 | Tỉnh Kiên Giang | 961-975 |
62 | Tỉnh Bạc Liêu | 976-982 |
63 | Tỉnh Cà Mau | 983-990 |
64 | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | 991-999 |
2. Ví dụ về cách đặt số hiệu cho các hệ thống đường địa phương:
a) Đối với hệ thống đường tỉnh (ĐT):
Tên đường tỉnh đặt theo số hiệu quy định chung như sau: ĐT.x
- ĐT là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường tỉnh;
- x là số hiệu đường tỉnh theo quy định tại Quyết định này;
Đường thuộc hệ thống đường tỉnh Sơn La được đặt theo số hiệu theo quy định tại Quyết định này từ 101 đến 125, nhưng tỉnh Sơn La có 26 tuyến đường tỉnh, đặt lần lượt từ 101 đến 125 thì hết số hiệu mà vẫn còn tuyến đường tỉnh thứ 26 chưa có số hiệu. Sau khi nghiên cứu thì tuyến đường số 26 có nhiều yếu tố gần với tuyến đường tỉnh thứ 20 (ĐT.120) như liền kề giữa hai tuyến, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật thì đặt số hiệu của đường tỉnh thứ 26 là ĐT.120B; được viết trên cột kilômét là ĐT.120B.
b) Đối với hệ thống đường huyện (ĐH):
Tên đường huyện đặt theo số hiệu quy định chung như sau: ĐH.x
- ĐH là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường huyện;
- x là số số thứ tự của các tuyến đường huyện thuộc huyện đó (gồm 2 chữ số từ nhiên từ 01 đến 99);
Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đặt đường nối từ ngã ba Bản Cầm QL70 đi Lùng Khấu Nhin là đường huyện có số hiệu 11 nằm trên địa bàn huyện Mường Khương, được viết trên cột kilômét là ĐH.11.
c) Đối với hệ thống đường xã:
Tên đường xã đặt tên theo quy định chung như sau: Đường A
- A là tên đường được đặt theo địa danh hoặc theo tập quán;
Đường Mỏ Đồng Bến thuộc xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình;
Đường Bãi Bệ - Nam Hồng thuộc xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
d) Đối với hệ thống đường đô thị (ĐĐT):
Tên đường đô thị đặt theo số hiệu quy định chung như sau: ĐĐT.x
- ĐĐT là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường đô thị;
- x là số số thứ tự của các tuyến đường đô thị thuộc thị xã, thị trấn đó (gồm 2 chữ số từ nhiên từ 01 đến 99);
Thị xã Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình: theo quy hoạch có 15 tuyến đường đô thị. Tên đường đô thị đặt theo số hiệu của thị xã Ninh Bình như sau: ĐĐT.01; ĐĐT.02; …; ĐĐT.15.
đ) Đối với hệ thống đường chuyên dùng (ĐCD):
Tên đường chuyên dùng đặt theo số hiệu quy định chung như sau: ĐCD.x
- ĐCD là ký hiệu viết tắt của tên hệ thống đường chuyên dùng;
- x là số số thứ tự của các tuyến đường chuyên dùng thuộc tỉnh đó (gồm 2 chữ số từ nhiên từ 01 đến 99);
Tỉnh Bình Dương: theo quy hoạch có 5 tuyến đường chuyên dùng. Tên đường chuyên dùng đặt theo số hiệu của tỉnh Bình Dương như sau: ĐCD.01; ĐCD.02; …; ĐCD.05.
3. Ví dụ cách đặt tên hoặc số hiệu đường thuộc hệ thống quốc lộ (QL), đường thuộc hệ thống đường địa phương trùng với đường ASEAN (AH):
QL.x-AH.y hoặc ĐT.x-AH.y, ĐH.x-AH.y
Trong đó:
x- là tên hoặc số hiệu đường trong nước;
y- là tên hoặc số hiệu đường ASEAN.
Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054 : 2005
Lời nói đầu
TCVN 4054 : 2005 thay thế TCVN 4054 : 1998.
TCVN 4054 : 2005 do Tiểu ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/TC98/SC2 Công trình giao thông đường bộ hoàn thiện trên cơ sở dự thảo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xét duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Đường ô tô − Yêu cầu thiết kế
...
3.4 Cấp thiết kế của đường
3.4.1 Phân cấp thiết kế là bộ khung các quy cách kỹ thuật của đường nhằm đạt tới:
- yêu cầu về giao thông đúng với chức năng của con đường trong mạng lưới giao thông;
- yêu cầu về lưu lượng xe thiết kế cần thông qua (chỉ tiêu này được mở rộng vì có những trường hợp, đường có chức năng quan trọng nhưng lượng xe không nhiều hoặc tạm thời không nhiều xe);
- căn cứ vào địa hình, mỗi cấp thiết kế lại có các yêu cầu riêng về các tiêu chuẩn để có mức đầu tư hợp lý và mang lại hiệu quả tốt về kinh tế.
3.4.2 Việc phân cấp kỹ thuật dựa trên chức năng và lưu lượng thiết kế của tuyến đường trong mạng lưới đường và được quy định theo Bảng 3.
Cấp thiết kế của đường | Lưu lượng xe thiết kế *)(xcqđ/nđ) | Chức năng của đường |
---|---|---|
Cao tốc | > 25 000 | Đường trục chính, thiết kế theo TCVN 5729 : 1997. |
Cấp I | > 15 000 | Đường trục chính nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn của đất nước. Quốc lộ. |
Cấp II | > 6 000 | Đường trục chính nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn của đất nước. Quốc lộ. |
Cấp III | > 3 000 | Đường trục chính nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá lớn của đất nước, của địa phương. Quốc lộ hay đường tỉnh. |
Cấp IV | > 500 | Đường nối các trung tâm của địa phương, các điểm lập hàng, các khu dân cư. Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. |
Cấp V | > 200 | Đường phục vụ giao thông địa phương. Đường tỉnh, đường huyện, đường xã. |
Cấp VI | < 200 | Đường huyện, đường xã. |
*) Trị số lưu lượng này chỉ để tham khảo. Chọn cấp hạng đường nên căn cứ vào chức năng của đường và theo địa hình. |
3.4.3 Các đoạn tuyến phải có một chiều dài tối thiểu thống nhất theo một cấp. Chiều dài tối thiểu này đối với đường từ cấp IV trở xuống là 5 km, với các cấp khác là 10 km.
3.5 Tốc độ thiết kế, (Vtk)
3.5.1 Tốc độ thiết kế là tốc độ được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn. Tốc độ này khác với tốc độ cho phép lưu hành trên đường của cơ quan quản lý đường. Tốc độ lưu hành cho phép, phụ thuộc tình trạng thực tế của đường (khí hậu, thời tiết, tình trạng đường, điều kiện giao thông,...).
3.5.2 Tốc độ thiết kế các cấp đường dựa theo điều kiện địa hình, được qui định trong Bảng 4.
Cấp thiết kế | I | II | III | IV | V | VI | ||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Địa hình | Đồng bằng | Đồng bằng | Đồng bằng | Núi | Đồng bằng | Núi | Đồng bằng | Núi | Đồng bằng | Núi |
Tốc độ thiết kế, Vtk, km/h | 120 | 100 | 80 | 60 | 60 | 40 | 40 | 30 | 30 | 20 |
CHÚ THÍCH: Việc phân biệt địa hình được dựa trên cơ sở độ dốc ngang phổ biến của sườn đồi, sườn núi như sau: Đồng bằng và đồi ≤ 30 %; núi > 30 %. |
...
Tham khảo
- ↑ Văn bản quy phạm pháp luật - Luật số 23/2008/QH12 của Quốc hội : LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ. Lấy ngày 25/02/2015.
- ↑ CSDLVBQPPL Bộ Tư pháp - Về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Lấy ngày 25/02/2015.
- ↑ CSDLVBQPPL Bộ Tư pháp - Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Lấy ngày 25/02/2015.
- ↑ CSDLVBQPPL Bộ Tư pháp - Quy định về việc đặt tên hoặc số hiệu đường bộ. Lấy ngày 25/02/2015.
- ↑ THƯ VIỆN PHÁP LUẬT - Quyết định 36/2005/QĐ-BGTVT đặt tên số hiệu đường bộ. Lấy ngày 25/02/2015.
Thảo luận
V/v phân loại đường ở Việt Nam
User:Vutuan202 đã nói "khái niệm phân loại đường ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng hoặc chưa có một tài liệu cụ thể nói về vấn đề này." Thế nên mình xin trích dẫn một số quy định trong các văn bản pháp luật để làm căn cứ cho các đề xuất trên trang chính.
-- ComputerBoy (talk) 22:51, 24 February 2015 (UTC)